CHUYÊN ĐỀ 19: KỸ NĂNG ĐỌC (READING SKILLS)

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
Thực tế cho thấy, về kỹ năng đọc và làm các bài tập sau khi đọc, HS thường mắc một số lỗi phổ biến như: phát âm sai, thường phát âm gió một cách bừa bãi, vốn từ của học sinh quá ít ỏi hoặc quên nhiều, chưa biết cách đọc một bài đọc hiểu, không nhớ được thông tin trong bài đọc, không nắm được cấu trúc ngữ pháp cơ bản, đa số học sinh không biết cách đặt câu hỏi cho đoạn văn và trả lời. Để khắc phục được tình trạng này, trước hết người giáo viên phải làm sao cho học sinh có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ nói chung và cụ thể là học tiếng Anh nói riêng, nhất là làm cho học sinh yêu thích, quan tâm đến việc học một bài đọc một cách hiệu quả hơn. Các bài giảng của thầy ở trên lớp phải phù hợp với mọi đối tượng học sinh, phải có phương pháp thích hợp, gây hứng thú học tập cho học sinh.

Một số kỹ năng để dạy bài đọc hiểu

Các hoạt động để luyện tập phát triển kỹ năng đọc hiểu thường được tiến hành theo 3 bước như sau:

- Các hoạt động trước khi đọc (Pre - reading activities).

- Các hoạt động trong khi đọc (While - reading activities).

- Các hoạt động sau khi đọc (Post - reading activities).

Các hoạt động trước khi đọc

Giới thiệu bài đọc: Là một hoạt động rất quan trọng nhằm cung cấp cho học sinh thông tin về bài đọc.

Một lời giới thiệu tốt thường ngắn gọn; gây hứng thú và làm cho học sinh muốn đọc bài đọc hơn; Giúp học sinh liên hệ giữa bài đọc với những kiến thức đã học.

Những kỹ năng giúp giới thiệu một bài đọc: Giáo viên bắt đầu bài đọc với một lời giới thiệu giúp cho học sinh nhận ra mình sẽ đọc cái gì sau đó giáo viên cho học sinh đoán từ.

a) Sử dụng giáo cụ trực quan:

Giáo viên có thể sử dụng tranh ảnh để thu hút sự chú ý của học sinh về chủ điểm chính của bài đọc và tạo không khí hào hứng cho lớp học.

VD: Giáo viên có thể hỏi câu hỏi về bức tranh trong bài đọc như: What are the people in the picture doing? (Mọi người trong bức hình đang làm gì vậy?); Where are they? (Họ đang ở đâu?).

Sau đó có thể đưa ra lời giới thiệu ngắn như: "The text we are going to read today about ..." (Nội dung mà chúng ta sẽ đọc hôm nay nói về…).

b) Giải thích từ mới:

Giải thích từ mới cho học sinh trước khi đọc bài đọc hiểu là rất cần thiết. Điều đó sẽ làm cho học sinh thấy dễ dàng tiếp cận bài hơn. Không cần thiết phải giảng tất cả các từ mới ở trong bài đọc. Học sinh có thể đoán tiếp những từ mới bằng cách đọc tiếp bài đọc.

Một số cách để giải thích từ mới:

+ Bằng cách sử dụng giáo cụ trực quan: Có thể vẽ tranh ở trên bảng hoặc cắt các bức tranh từ họa báo.

+ Bằng cách sử dụng nội dung bài đọc.

+ Bằng cách dịch sang tiếng Việt.

c) Đưa các cấu trúc ngữ pháp vào bài đọc: Trước khi yêu cầu học sinh đọc bài đọc, GV nên ôn lại các cấu trúc ngữ pháp xuất hiện trong bài.

d) Cho các câu hỏi hướng dẫn: Có thể tổ chức các hoạt động trước khi đọc nhằm hướng sự quan tâm của học sinh vào bài đọc, đưa ra một lí do nhằm khuyến khích học sinh suy nghĩ về bài đọc và đoán họ sẽ đọc cái gì. Tốt nhất là nên đưa ra 2 hoặc 3 câu hỏi và viết lên bảng trước khi đọc.

Các hoạt động trong khi đọc

Các hoạt động luyện tập trong khi đọc là những bài tập được thực hiện ngay trong khi học sinh đang đọc bài đọc, học sinh có thể đọc đi đọc lại (đọc thầm) để làm các bài tập. Hình thức luyện tập ở bước này là để tìm hiểu, khai thác nội dung bài khóa và tùy theo nội dung của từng bài sẽ có những dạng câu hỏi và yêu cầu khai thác khác nhau.

Các bài tập và phương pháp phổ biến ở giai đoạn này thường có những dạng như sau:

a) Đọc thầm: Giúp học sinh tự diễn đạt khả năng phát âm, tự mình diễn đạt và nếu không hiểu một câu nào đó trong bài thì có thể tự đọc đi đọc lại.

b) Kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh bằng cách yêu cầu học sinh trả lời những câu hỏi đã cho sẵn trên bảng: Học sinh có thể làm việc theo cặp, theo nhóm (Hỏi- Đáp).

c) Kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh bằng cách sử dụng câu hỏi: Các câu hỏi được sử dụng như là một kỹ năng trong lớp học trong việc dạy và học tiếng Anh. Có 3 loại câu hỏi thường được sử dụng:

+ Yes/no questions: Loại câu hỏi (có, không) này rất có ích cho việc kiểm tra đọc hiểu. Học sinh thường rất dễ trả lời.

+ Alternative questions: Đây cũng là loại câu hỏi rất thường được sử dụng để kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh. VD trong sách Tiếng Anh lớp 12 trang 68 có câu hỏi: Is Mercury the smallest or the biggest planet in the Solar system? (Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất hay lớn nhất của hệ mặt trời?). Đáp án: The smallest (nhỏ nhất). Câu hỏi: Is it the nearest or the fastest planet to the Sun? (Nó gần mặt trời hay xa mặt trời nhất?). Đáp án: The nearest (gần nhất)

+ Wh – questions: Đây là loại câu hỏi có thể gọi là câu hỏi lấy thông tin với hầu hết Wh - question và cũng có thể trả lời ngắn gọn, bởi lúc này ta chỉ cần kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh. Ví dụ sách Tiếng Anh lớp 12, trang 62 có câu hỏi When was Isaac Newton born? (Issac Newton sinh năm bao nhiêu?). Đáp án: On December 25th 1642 (Ngày 25 tháng 12 năm 1642); Where did he begin giving lectures on mathematics? (Ông bắt đầu giảng Toán ở đâu?). Đáp án: In Cambridge University (tại Đại học Cambridge). Hoặc đôi khi chúng ta cần hỏi học sinh những câu có câu trả lời dài. Ví dụ như câu hỏi trong sách Tiếng Anh lớp 12, trang 24: What did Newton do at the age of 21? (Newton đã làm gì ở tuổi 21?). Trả lời: He entered the University of Cambridge and studied mathematics there (Ông đỗ vào trường đại học Cambridge và nghiên cứu Toán học ở đó).

Có thể sử dụng câu hỏi sau để kiểm tra kiến thức ngôn ngữ và mức độ hiểu bài của học sinh. Ví dụ: Tell me about Kensington Gardens? (Hãy nói cho cô biết về Kensington Gardens?), hay What about Hyde Park? (Thế còn Hyde Park?).

d) Sử dụng một số bài tập để phát triển kĩ năng đọc hiểu: Sau khi kiểm tra mức độ đọc hiểu của học sinh bằng cách đặt ra các câu hỏi chúng ta cần đưa ra một số bài tập khác để giúp học sinh luyện tập những gì đã học ở trong bài đọc.

3) Các hoạt động sau khi đọc

a) Yêu cầu học sinh nhớ lại trình tự bài đọc: Có thể yêu cầu học sinh làm bài tập. Cho các dữ liệu xáo trộn và sắp xếp lại theo trình tự như nội dung bài đọc .

b) Tóm tắt bài đọc

c) Tổ chức thảo luận: Đôi khi một số bài đọc có liên quan đến thực tế hàng ngày của chúng ta nên cần tổ chức cho học sinh thảo luận. VD: Trong bài "Help your Doctor to help you " (Tiếng Anh lớp 12, trang 92), giáo viên có thể đưa ra câu hỏi để thảo luận như:

What should we do and what shouldn’ t we do to keep good health? (Chúng ta nên làm gì và không nên làm gì để bảo vệ sức khỏe?).

Để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu cho học sinh, các thầy cô giáo phải nhiệt tình, có tâm huyết với nghề, hướng dẫn học sinh bằng mọi biện pháp giúp các em tích lũy vốn từ, cấu trúc và vận dụng vốn kiến thức đó vào thực tế giao tiếp hàng ngày. Để có được một bài đọc hiểu thành công đòi hỏi người thầy phải biết vận dụng những kỹ năng thích hợp với mọi đối tượng học sinh và nhằm khuyến khích sự phấn đấu nỗ lực của trò, kết hợp quả của việc học tập trên lớp với việc tự học của học sinh.

Lê Thị Thủy (Trường Cao đẳng CSND I) - Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 64